Có một mẫu tin tốt là ít nhất trong vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ không phải giải quyết cơn ác mộng khoa học viễn tưởng đang phát triển mạnh, rằng AI đạt tới tầm có được ý thức và quyết định nô dịch hay quét sách loài người. Chúng ta sẽ ngày càng dựa vào các thuật toán để đưa ra các quyết định cho mình, nhưng ít có khả năng các thuật toán sẽ bắt đầu điều khiển chúng ta một cách có ý thức. Chúng sẽ không có chút ý thức nào cả.
Khoa học giả tưởng có khuynh hướng nhầm lẫn trí thông minh với ý thức và cho rằng để bắt kịp hoặc vượt qua trí thông minh của con người, máy tính sẽ phái phát triển ý thức. Cốt truyện cơ bản của gần như mọi bộ phim và tiểu thuyết về AI xay quanh giây phút kỳ diệu, khi một máy tính hay một robot có được ý thức. Một khi điều đó xảy ra, hoặc là nhân vật chính con người đêm lòng yêu robot, hoặc robot cố gắng giết sạch con người, thỉnh thoảng cả hai xảy ra cùng lúc.
Nhưng trên thực tế, không có lý do gì để cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ có được ý thức vì trí thông minh và ý thức là hai thứ rất khác nhau. Trí tuệ là khả năng giải quyết vấn đề. Ý thức là khả năng cảm nhận những thứ như đau, vui, yêu, giận. Chúng ta có xu hướng nhầm hai thứ với nhau vì ở con người và các loại có vú khác, trí tuệ đi đôi với ý thức. Các loài có vú giải quyết hầu hết các vấn đề bằng cách cảm nhận mọi thứ. Tuy nhiên, máy tính lại giải quyết các vấn đề theo một cách rất khác.
Có một số con đừng khác nhau dẫn đến trí tuệ cao và chỉ vài con đường trong số đó bao gồm việc có được ý thức. Cũng như máy bay bay nhanh hơn chim mà không bao giờ mọc lông, máy tính có thể giải quyết vấn đề tốt hơn các loài có vú rất nhiều mà không bao giờ cần phát triển cảm giác. Đúng, AI sẽ chữa bệnh cho họ, nhận dạng những kẻ khủng bố, gợi ý bạn đời và tìm đường đi lối lại trên một con phố đầy người đi bộ. Nhưng nó có thể làm vây mà không cần bất cứ cảm xúc gì của riêng nó cả. Một thuật toán không cần cảm thấy vui, giận hay sợ hãi để nhận ra các dạng thức sinh hóa khác nhau của những con linh trưởng đang vui, đang giận hay đang sợ hãi.
Dĩ nhiên, không phải hoàn toàn không có khả năng AI sẽ phát triển các cảm giác của riêng nó. Chúng ta vẫn không biết đủ nhiều về ý thức để chắc chắn về điều đó. Nói chung, có ba khả năng ta cần cân nhắc:
Bằng cách nào đó, ý thức liên quan đến sinh hóa hữu cơ theo cách khiến việc tạo ra ý thức trong các hệ thống vô cơ là không thể.
Ý thức không liên quan gì với hóa sinh hữu cơ, nhưng nó liên quan đến trí thông minh theo một cách khiến máy tính có thể phát triển ý thức và máy tính sẽ phải phát triẻn ý thức nếu chúng vượt qua một ngưỡng trí tuệ nhất định.
Không có mối liên hệ thiết yếu giữa ý thức và hóa sinh hữu cơ hay trí tuệ cao. Do đó, máy tính có thể phát triển ý thức, nhưng không nhất thiết phải thế. Chúng có thể trở nên siêu thông minh trong khi vẫn không có chút ý thức nào.
Với hiểu biết hiện tại của chúng ta, chúng ta không thể loại trừ bất cứ phương án nào trên đây. Tuy nhiên, chính vì chúng ta biết quá ít về ý thức trong tương lai gần. Do đó, dù khẳ năng của trí tuệ nhân tạo là rất lớn, trong tương lai có thể dự đoán được, việc sử dụng chúng vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào ý thức con người ở mức độ nào đó.
Mối nguy nằm ở chỗ nếu chúng ta đầu tư quá nhiều vào phát triển AI và quá ít vào phát triển ý thức con người, trí tuệ nhân tạo rất phức tạp của máy tính có thể chỉ phục vụ việc trao quyền cho sự ngu dốt bẩm sinh của con người mà thôi. Chúng ta có ít khả năng phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của robot trong các thập kỷ tới, nhưng rất có thể chúng ta phải đối mặt với các bình đoàn robot biết cách kích hoạt những cảm xúc mạnh mẽ của chúng ta giỏi hơn cả mẹ chúng ta, và chúng sẽ dùng khả năng kỳ lạ này để cố thuyết phục chúng ta về một cái gì đó: xe hơi, một chính trị gia hay cả một ý thức hệ. Những con robot này có thể nhận thấy những nỗi sợ hãi căm ghét và thèm khát sâu xa nhất của con người và sử dụng những ảnh hưởng bên trong này để chống lại chúng ta. Chúng ta đã được "nếm mùi" trước một chút những điều này trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân gần đây khắp thế giới, khi các hacker học được cách thao túng từng cử tri riêng lẻ bằng cách phân tích các dữ liệu về họ và khai thác các định kiến vốn có của họ. Trong khi các bộ phim khoa học viễn tưởng ly kỳ bị cuốn vào những biến cố kịch tính đầy khói lửa thì trên thực tế, chúng ta đang đối mặt với một biến cố tầm tường chỉ bằng cách nhấp chuột.
Để tránh những kết quả như vậy, với mỗi đô la và mỗi phút chúng ta đầu tư vào phát triển trí tuệ nhân tạo, sẽ là không ngoan nếu ta cũng đầu tư một đô la và một phút vào phát triển ý thức con người. Đáng tiếc là tại thời điểm hiện tại, chúng ta đang không làm được gì nhiều trong nghiên cứu ý thức con người và những cách phát triển chúng. Chúng ta đang nghiên cứu và phát triển các khả năng của con người chủ yếu theo nhu cầu tức thời của hệ thống kinh tế và chính trị thay vì theo các nhu cầu dài hạn của chính chúng ta với tư cách là các cá thể có ý thức. Sếp tôi muốn tôi trả lời email càng nhanh càng tốt, nhưng ông ta chẳng mấy hứng thú với khả năng nếm và thưởng thức đồ ăn của tôi . Do đó tôi kiểm tra email ngay cả trong bữa ăn, đòng nghĩa với việc tôi mất khả năng chú ý đến vị giác của chính mình. Nền kinh tế tạo áp lực khiến tôi mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình nhưng chẳng cho tôi chút động lực nào để mở rộng và đa dạng hóa lòng trắc ẩn cả. Thế nên tôi gắng sức tìm hiểu những bí ẩn của thị trường chứng khoán trong khi ít nỗ lực tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của sự khổ đau hơn nhiều.
Trong chuyện này, con người rất giống các động vật đã được thuần dưỡng khác. Chúng đã lai tạo ra những con bò dễ bảo, sản xuất hàng tấn sữa nhưng ngoài khía cạnh đó ra thì chúng hết sức kém cỏi so với tổ tiên hoang dã của chúng. Chúng mình kém nhanh nhẹn, kém tò mò và kém xoay xở trong các tình huống hơn. Giờ chúng ta đang tạo ra những con người dễ sai bảo, sản xuất hàng tấn dữ liệu và hoạt động như những con chip hết sức hiệu quả trong một guồng máy xử lý dữ liệu khổng lồ, nhưng những con bò-dữ-liệu này khó mà tối đa hóa tiềm năng của con người. Thực sư là chúng ta không hề biết tiềm năng tối đa của con người là gì vì chúng ta biết quá ít về tâm trí con người. Thế nhưng chúng ta không đầu tư nhiều vào việc khám phá tâm trí con người; Thay vào đó, ta tập trung vào tăng tốc độ kết nối Internet và tính hiệu quả của các thuật toán Big Data. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ trở thành những con người hạ cấp sử dụng sai những máy tính cao cấp để tàn phá bản thân và thế giới.
Những nền độc tài số không phải là hiểm họa duy nhất chờ đợi chúng ta. Cùng với tự do, trật tự tự do cũng có niềm tin cực lớn vào giá trị của bình đẳng. Chủ nghĩa tự do luôn luôn tôn thờ bình đẳng chính trị và nó đã dần nhận ra bình đẳng kinh tế cũng quan trọng không ké. Vì nếu không có một tấm ưới bảo hộ an sinh xã hội và một chút bình đẳng kinh tế, tự do là vô nghĩa. Nhưng ngay khi các thuật toán Big Data dập tắt tự do, chúng có thể đồng thời tạo ra những xã hội bất bình đẳng nhất từng tồn tại. Tất cả của cải và quyền lực sẽ tập trung vào tay một nhóm tinh hoa cực nhỏ trong khi hầu hết mọi người sẽ hứng chịu không phải sự bóc lột mà là một thứ khác tồi tệ hơn rất nhiều: sự vô dụng.
Đoạn trích "Thông minh nhân tạo và ngu dốt tự nhiên" này được mình trích từ trong sách "21 bài học cho thế kỷ 21" của tác giả Yuval Harrari, hình ảnh thì chính mình tự thêm vào.
Đương nhiên đây cũng là ý kiến quan điểm của cá nhân bác Yuval Harrari, và với sự hiểu biết không nhiều của mình thì mình thấy tác giả nói khá là hợp lí. Khi công nghệ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội hiện nay và thuật ngữ Trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là ''Ây Ai'' được nhắc đến mỗi ngày. Từ lúc mở mắt dậy chúng ta đã vớ lấy cái điện thoại để được các trang mạng xã hội bằng những thuật toán siêu xịn đã feed cho hàng tá thông tin, tốt có, xấu có. Và đó là những tác động bên ngoài mà chúng ta phải chấp nhận, đó là những điều ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Vậy còn chúng ta? Chúng ta nên làm gì trước những sự thay đổi chóng mặt đó để có thể đi đúng hướng và phát triển một cách tốt nhất, theo mình mỗi khi tiếp nhận thông tin thì chúng ta nên khoan đã đưa ra phán xét ngay lập tức, hãy tìm hiểu nguồn gốc của tin đó là đúng hay sai, thông tin chính cống hay là thông tin đến từ những "người bán hàng online", nên có tư duy xâu chuỗi những sự kiện với nhau. Và nên đặt mình vào tình huống mà chúng ta bắt gặp phải trong một câu chuyện gây xôn xao nào đó, xem liệu nếu là mình trong tình huống đó mình sẽ cư xử như thế nào? Hãy thử một lần đặt mình là họ để đưa ra được đánh giá khách quan nhất về vấn đề. Chúc bạn đọc vui vẻ.
Hết.
See you.
Comments